Kiên Giang: Phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn nhất khu vực

z4215733031639-01789f4c376d846598577b6cf0fbedf5

Chiều 27/3, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa thông qua dự thảo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Kiên Giang phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn nhất vùng ĐBSCL. Ảnh Hữu Tuấn
Kiên Giang phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn nhất vùng ĐBSCL. Ảnh Hữu Tuấn

Theo dự thảo quy hoạch, thời kỳ 2011-2020, tăng trưởng kinh tế luôn ổn định và quy mô ở mức khá so với cả nước và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh tăng đều qua các năm. Cụ thể, GRDP tăng từ 34.318 tỷ đồng vào năm 2010 lên 96.818 tỷ đồng vào năm 2020, tốc độ tăng trưởng hàng năm trong thời kỳ 2011-2020 đạt 7,2%/năm.

TP Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển tầm cỡ quốc tế. Ảnh Hữu Tuấn
TP Phú Quốc trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển tầm cỡ quốc tế. Ảnh Hữu Tuấn

Năm 2020, Kiên Giang đứng thứ 3/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL (sau Long An và Tiền Giang), chiếm 9,9% GRDP toàn vùng. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 56,0 triệu đồng, xếp thứ 6/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL, bằng 87% cả nước.

Hiện tại, cơ cấu ngành kinh tế của tỉnh có 4 ngành có quy mô lớn và tốc độ tăng trưởng cao, đó là: Hoạt động kinh doanh bất động sản (10,7%); Vận tải kho bãi (11,1%); Dịch vụ lưu trú và ăn uống (14,9%); Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (16,7%). Trong đó, hoạt động kinh doanh dịch vụ đang giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế tỉnh Kiên Giang.

Ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Dự thảo quy hoạch tỉnh xây dựng 3 kịch bản phát triển. Thứ nhất là hướng phát triển ổn định và không có sự đột phá, đây là phương án tăng trưởng thấp trong điều kiện bất lợi, không phát huy được tất cả các tiềm năng. Thứ hai, là phát triển giá trị và bền vững, là phương án tăng trong điều kiện bình thường, trở thành điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp và lao động, là trung tâm kinh tế biển hàng đầu khu vực.

Với phương án thứ ba, phát triển theo hướng tận dụng tối đa những điều kiện thuận lợi tuyệt đối, đây là phương án tăng trưởng cao trong điều kiện thuận lợi nhất, đưa Kiên Giang trở thành nơi cung cấp chất lượng sống hàng đầu khu vực Tây Nam Bộ. Qua cân nhắc và đánh giá tổng thể các điều kiện, Tỉnh lựa chọn phát triển theo phương án 2 – giá trị và bền vững, ông Lê Quốc Anh cho hay.

Ông Lê Quốc Anh cũng nhấn mạnh: Quy hoạch tỉnh Kiên Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là công cụ quan trọng để tỉnh hoạch định điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế-xã hội, không gian lãnh thổ trên địa bàn tỉnh, đảm bảo tính kết nối đồng bộ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, khắc phục các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực phát triển cân đối, hài hòa, hiệu quả và bền vững.

Trong đó, Dự thảo Quy hoạch tỉnh xác định, mục tiêu đến năm 2030, là tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Tây Nam bộ; có hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội và môi trường đầu tư vượt trội để thu hút nhà đầu tư hàng đầu về du lịch và dịch vụ, bất động sản và công nghệ; trở thành điểm đến hấp dẫn nhất trong vùng ĐBSCL đối với du khách. Kiên Giang là trung tâm kinh tế biển của Quốc gia.

Trong đó có: Phú Quốc là trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái biển tầm quốc tế; Rạch Giá là thành phố thương mại, dịch vụ xanh; Hà Tiên là đô thị di sản; Rạch Giá – Hà Tiên – Phú Quốc hình thành tam giác phát triển chính của nền kinh tế đô thị, thương mại dịch vụ biển.

Tầm nhìn đến năm 2050, Kiên Giang trở thành nơi cung cấp chất lượng sống cao ở khu vực Tây Nam Bộ, là điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp và lao động trong lĩnh vực dịch vụ và công nghệ, là trung tâm du lịch sinh thái biển đảo hàng đầu tập trung ở các trung tâm hành chính ven biển và các đảo. Người dân sống tại Kiên Giang có thể dễ dàng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao, môi trường giáo dục đào tạo nhân văn, môi trường sống xanh và an toàn. Hệ thống kết cấu hạ tầng và đô thị phát triển hiện đại, thông minh, kết nối với các trung tâm kinh tế trong vùng.